Nằm ở phía tây bắc của Tổ quốc, Sa Pa là một Thị xã vùng cao của tỉnh Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.

Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại. Trong tiếng Quan Thoại phát âm là SaPả hay SaPá tức “bãi cát” do ngày trước khi có Thị xã Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Từ hai chữ “Sa Pả”, người phương Tây phát âm không dấu, thành Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó thành “Cha Pa” và một thời gian rất dài sau đó người ta dùng “Cha Pa” như một từ tiếng Việt. Về sau, từ này viết được thống nhất là Sa Pa.

Thị xã Sa Pa ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38 km và 376 km tính từ Hà Nội. Ngoài con đường chính từ thành phố Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Tam Đường, Lai Châu. Mặc dù phần lớn cư dân thị xã Sa Pa là những người dân tộc thiểu số, nhưng Thị xã lại tập trung chủ yếu những người Kinh sinh sống bằng nông nghiệp và dịch vụ du lịch.

Tuy nằm ở miền Bắc Việt Nam, lẽ ra phải mang khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhưng do nằm ở địa hình cao và gần chí tuyến nên Sa Pa có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, ôn đới, không khí mát mẻ quanh năm. Vào mùa hè, thời tiết ở Thị xã một ngày như là có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, có nắng, không khí dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông.

Lịch sử của vùng đất Sa Pa

Sau khi chiếm được Sa Pa vào năm 1887, thực dân Pháp thực hiện mở mang khu vực Hùng Hồ – Sa Pa xưa thành nơi nghỉ mát. Họ đưa một số chủ thầu người Pháp như Hautefeuille, Lapiques, Anvaro cùng với lực lượng công binh Pháp và công nhân người Việt khai thác vật liệu xây dựng, đá, gỗ, cát… Huy động hàng ngàn thợ từ miền xuôi, hàng vạn lượt người dân địa phương đi phu và tù nhân ở nhà tù Sa Pa tham gia xây dựng.


Từ khi tỉnh Lào Cai được thành lập (12/7/1907), khu Sa Pa được hình thành gồm 2 xã Bình Lư và Hướng Vinh. Những năm thập kỷ 30 của thế kỷ XX, Sa Pa đổi thành hạt, bao gồm 37 làng, một phố với 1020 hộ dân.

Đến năm 1915, đã có hai nhà nghỉ mát đầu tiên làm bằng gỗ do nhà chủ thầu Hautefeuille xây dựng. Sau đó là ba khách sạn lớn: Metropon, Pansipan, Hotel Đuy xang và hàng trăm biệt thự khác cũng được dựng lên phục vụ cho việc nghỉ dưỡng của người Pháp.

Khi khu nghỉ mát hình thành, cơ sở hạ tầng cũng được người Pháp xây dựng. Năm 1925 xây dựng trạm thuỷ điện Cát Cát, năm 1930 rải nhựa đường nội thị và đường Lào Cai – Sa Pa, hệ thống cung cấp nước sạch được xây dựng phục vụ khu vực Thị xã. Đồng thời hình thành khu dân cư Thị xã Sa Pa. Ngoài người Việt còn có người Hoa, người Pháp, sau đó hình thành các tên phố như: Phố Khách, An Nam, Xuân Viên.

Đến năm 1943 Sa Pa đã có khoảng 200 biệt thự và nhà do người Pháp xây dựng, các vườn hoa, sân chơi, đồn điền cũng như các điểm du lịch như: Hang đá, Thác bạc, Cầu mây… (Tuy nhiên các biệt thự nghỉ mát, khách sạn và công sở đó không còn đến ngày nay vì hầu hết các công trình đó đã bị phá huỷ theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến năm 1947 và cuộc chiến tranh biên giới năm 1979).

Năm 1954 hoà bình được lập lại ở Miền Bắc, Sa Pa trở thành điểm nghỉ dưỡng của tất cả các tầng lớp nhân dân lao động. Nhưng Sa Pa chỉ thực sự mở cửa trở lại với khách du lịch quốc tế từ năm 1992.

Ngày 11 tháng 9 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 767/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai.

Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15 °C. Mùa hè, Thị xã không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13 °C – 15 °C vào ban đêm và 20 °C – 25 °C vào ban ngày. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0 °C, đôi khi có tuyết rơi. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây khoảng từ 1.800 đến 2.200 mm, tập trung nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 8. Đọc những thông tin này chắc các bạn cũng có thể có câu trả lời cho câu hỏi “nên du lịch Sa Pa vào thời điểm nào” rồi chứ. Một vài phương án Cùng Phượt gợi ý với bạn như sau

  • Mùa xuân là mùa mà khắp núi rừng Tây Bắc đều có sự xuất hiện của những cánh hoa đào, hoa mận, Sa Pa cũng không phải là ngoại lệ.
  • Những thửa ruộng bậc thang chín vàng làm say lòng không ít du khách thường sẽ xuất hiện vào khoảng từ giữa tháng 9 cho đến tháng 10. Dịp này các bạn có thể kết hợp các địa điểm thành một cung ngắm lúa tuyệt vời. Từ Lào Cai vào Y tý ngắm lúa chín A Lù, qua Mường Hum về Sa Pa nghỉ mát rồi từ đây chạy theo Ô Quy Hồ về danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
  • Vào khoảng từ tháng 5-8 dương lịch là mùa mưa, thời gian này Sa Pa dường như rực rỡ nhất bởi các loài hoa đua nở.
  • Từ khoảng cuối tháng 12 đến Tết là thời điểm Sa Pa rất lạnh do miền Bắc chuyển vào mùa Đông, nếu bạn thích thú với việc cảm nhận cái lạnh tê tái cũng như (nếu may mắn) ngắm băng tuyết ở Sa Pa thì nên tới đây vào thời điểm này
  • Với phương tiện ô tô cá nhân, mọi chuyện tương đối đơn giản bởi hiện tại chặng đường lên Sapa đã được rút ngắn thời gian di chuyển rất nhiều sau khi tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đưa vào vận hành. Thời gian di chuyển chỉ mất khoảng 4-5 tiếng, các bạn lưu ý tuyến đường này tuy là cao tốc nhưng vẫn có những đoạn đường không có phân cách cứng, tốc độ bị giới hạn. Ngoài ra, tuyến đường này hiện đã lắp đặt đầy đủ hệ thống camera giám sát, các bạn cần tuân thủ tốc độ, làn đường để tránh bị phạt ở cuối trạm thu phí.
  • Thường thì nếu chỉ đi Sapa không thì không mấy bạn chạy xe máy từ Hà Nội, trừ trường hợp các bạn có kế hoạch khám phá thêm các địa điểm khác như Bắc Hà, Y Tý hay Mù Cang Chải. Với xe máy, do không được vào cao tốc nên các bạn cần đi tuyến đường cũ là QL70, tuyến đường này hiện nay đã giảm được tương đối xe khách, xe tải do đi cao tốc nên cũng dễ đi hơn khá nhiều
  • Từ Hà Nội đến Lào Cai khoảng gần 300km, bạn có thể lựa chọn ô tô giường nằm hoặc tàu hỏa. Trước kia, đa phần khách du lịch chọn đi tàu hỏa bởi lúc đó thời gian di chuyển bằng tàu hỏa và ô tô là như nhau, không gian trên tàu hỏa thoải mái và rộng rãi hơn. Tuy nhiên, mọi thay đổi từ khi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai hoàn thành, lượng khách đi tàu sụt giảm mạnh, đa phần khách du lịch chọn đi ô tô vì thời gian rút ngắn lại chỉ còn một nửa (4 tiếng so với 8 tiếng) với trước kia.

    Tuy vậy, nếu bạn không quen với việc nằm ô tô đường dài, hãy lựa chọn tàu hỏa bởi không gian thoải mái. Nhất là với các gia đình có trẻ con, việc có thể đi lại chạy nhảy trên tàu vẫn thoải mái hơn nhiều so với việc nằm gò bó một chỗ trên ô tô. Ngoài ra, với những bạn muốn mang theo xe máy từ Hà Nội để tranh thủ lượn lờ những nơi khác ngoài Sa Pa hãy đi tàu hỏa.

  • Nếu muốn đi nhanh hoặc nếu muốn có nhiều lựa chọn về thời gian cho các chuyến xe chạy vào ban ngày hãy lựa chọn đi ô tô giường nằm lên Lào Cai. Thời gian di chuyển hiện tại chỉ khoảng 4 tiếng, lên tới nơi tùy vào kế hoạch mà các bạn có thể ở lại Tp Lào Cai trước hoặc sang xe trung chuyển để đi Sapa luôn.

    Từ Lào Cai lên Sa Pa
  • Thị xã Sa Pa tuy nhỏ nhưng các điểm du lịch đều khá xa, khoảng từ 2 cho đến 20km. Nếu có kinh nghiệm đi xe máy vùng cao hoặc say xe ô tô bạn có thể thuê xe máy ở Thị xã Sa Pa để thuận tiện cho việc khám phá địa danh này. Phương án này cũng là phương án thích hợp để bạn có thể đi sâu vào các bản làng, dừng lại chụp ảnh hay chủ động làm bất cứ việc gì bạn thích.

    Nếu không muốn lái xe máy nhưng vẫn muốn được ngồi trên phương tiện này để thoải mái hít thở không khí trong lành, cảm nhận trực tiếp cái không khí mát lạnh đến tê người của Sa Pa, các bạn hãy thuê xe ôm. Xe ôm ở Sa Pa rất sẵn và nhiều, tập trung quanh khu vực nhà thờ rất nhiều. Bạn có thể thuê xe ôm từng chặng, đến những điểm du lịch hoặc “hợp đồng” trọn gói đưa đi quanh Sa Pa trong thời gian bạn ở đấy.

    Đi bộ

    Nếu muốn kết hợp du lịch Sa Pa và rèn luyện sức khỏe, hãy lựa chọn phương án đi bộ (trekking) tới hầu hết các địa điểm du lịch ở Sa Pa nhé. Đây là phương án mà rất nhiều các bạn khách Tây thích, họ thường trekking từ trung tâm Thị xã tới các bản Tả Van, Tả Phìn hay Cát Cát. Nếu muốn đi bộ, hãy chuẩn bị cho mình một đôi giầy thật nhẹ và êm và có khả năng chống nước nhẹ từ trước khi lên Sa Pa nhé. Giầy cao gót, giầy da hay kể cả dép tông cũng không hợp cho lựa chọn này.

    Taxi

    Phương án sử dụng taxi phù hợp với những gia đình có trẻ nhỏ, người già hoặc với những bạn chỉ thích ngồi ô tô. Giá taxi ở Sa Pa thường được thỏa thuận giữa khách du lịch và lái taxi cho từng chặng (1 chiều hoặc khứ hồi).

    Xe điện

    Dịch vụ xe điện chở khách du lịch được cấp phép chạy thử nghiệm trên một số tuyến đường, ưu điểm hơn taxi ở chỗ có thể chở được nhiều người hơn, không gian mở nên khá thoáng để có thể ngắm cảnh dọc đường, nhược điểm là gặp đoạn nào bụi thì cũng hơi dở.

    Từ Sapa lên Fansipang

    Để lên Fansipang nhanh nhất, phương án tối ưu là sử dụng cáp treo. Với các bạn thích leo núi và có thời gian thì có thể đăng ký các tour chinh phục đỉnh Fansipang từ 2-3 ngày. Giá vé cáp treo Fansipang phụ thuộc tùy vào đối tượng mua, các bạn nếu có kế hoạch nên mua vé online trước cho tiện và không phải xếp hàng.

  • Sa Pa 3 ngày 4 đêm

    Ngày 1 : Hà Nội – Sa Pa – Hà Nội

    Đi xe đêm hôm trước thì sáng sớm các bạn có mặt ở Sa Pa, gửi đồ tại khách sạn rồi hành trang gọn nhẹ đi bộ xuống bản Cát Cát, dọc đường xuống có rất nhiều quán cafe có view đẹp các bạn có thể ngồi. Heaven là một trong những quán đó.

    Khi từ Cát Cát lên xong thì các bạn leo núi Hàm Rồng, trên núi có các vườn hoa rất đẹp, nhớ mua vé từ dưới chân núi. Trưa xuống nghỉ ngơi, ăn uống rồi về nhận phòng.

    Chiều có thể đi Fansipang bằng cáp treo

    Ngày 2 : Sa Pa – Ô Quý Hồ – Sa Pa

    Thuê xe máy đi thăm Thác Bạc, Thác Tình Yêu. Đi xe máy lên đỉnh đèo Ô Quý Hồ, một trong Tứ Đại Đỉnh Đèo của dân phượt miền Bắc nối giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Ăn trưa trên đường. Chiều về đi thăm thung lũng Mường Hoa, Cầu Mây, bãi đá cổ Sa Pa, bản Tả Van, bản Giàng Tả Chải

    Tối đi dạo quanh Thị xã

    Ngày 3 : Sa Pa – Lào Cai – Hà Nội

    Thuê xe máy đi thăm bản Tả Phìn, tuyến du lịch cộng đồng được yêu thích. Thăm tu viện cổ Tả Phìn. Chiều về trả xe máy, tắm lá thuốc người Dao.

    Tối lên xe trở về Hà Nội

    Hà Nội – Bắc Hà – Sa Pa – Y Tý 

    Lịch trình này phù hợp vào khoảng tháng 9 là mùa lúa ở Y Tý, Sa Pa. Với lịch trình này các bạn cần mang theo xe máy từ Hà Nội, chạy 1 chiều và gửi tàu về 1 chiều.

    Ngày 1: Hà Nội – Bắc Hà

    Bắc Hà cách Hà Nội khoảng 300km, khởi hành từ Hà Nội theo QL 70 đến Bắc Ngầm thì để ý rẽ vào đường 153 đi Bắc Hà. Nên khởi hành từ Hà Nội khoảng sáng sớm để đến Bắc Hà không bị muộn quá. Ngày đầu nên đi vào thứ 7 để dạo chơi được chợ phiên Bắc Hà vào sáng chủ nhật.

    Ngày 2: Bắc Hà – Sa Pa

    Sáng dậy đi chợ phiên Bắc Hà, đi tham quan dinh Hoàng A Tưởng, đến một số khu vực có hoa mận, hoa đào, tam giác mạch… cái này tùy mùa.

    Khoảng trưa khởi hành từ Bắc Hà đi tiếp về Lào Cai rồi lên Sa Pa. Tùy thuộc vào hành trình, các bạn có thể ở Sa Pa 1 hoặc 2 ngày. Tối ngủ Sa Pa

    Ngày 3: Sa Pa – Mường Hum – Y Tý

    Sáng dậy uống cafe ở Sa Pa rồi khởi hành từ Sa Pa đi theo hướng Ô Quy Hồ vào Mường Hum rồi từ đây vào Y Tý. Nếu ngày 3 này vào chủ nhật, các bạn có cơ hội dự chợ phiên Mường Hum.

    Tối ngủ Y Tý

    Ngày 4: Y Tý – Lũng Pô – Lào Cai – Hà Nội

    Sáng ngày 4 từ Y Tý đi ngược lại theo hướng về Bát Xát, qua A Lù ngắm lúa. Trên đường về bạn có thể ghé vào mốc 92, Lũng Pô – nơi sông hồng đổ vào Việt Nam.

    Nếu đi từ sáng sớm, đến khoảng chiều tối bạn có mặt ở Lào Cai. Gửi xe máy lên tàu Lào Cai, đi tàu đêm thì sáng hôm sau có mặt tại Hà Nội.